Chăn nuôi Trâu Langbiang

Thả rông

Trâu được thả vào rừng để tự sinh, tự dưỡng như thú hoang. Trâu đực không dùng để kéo cày mà dành riêng cho việc tế thần[2]. Trước kia nhà nhà đều nuôi trâu, trâu cái phải kéo cày, còn trâu đực dành để tế thần. Những thập niên gần đây các loại cây trồng như rau, hoa, cà phê dần dần thay thế cây lúa. Trâu không phải kéo cày nữa nên được thả vào rừng. Người dân gọi những con trâu như vậy là min, tức trâu rừng[5]. Chúng được thả thành đàn trong rừng, cứ thế chúng tự sinh, tự dưỡng, đồng thời người Lạch rất thật thà và trọng chữ tín, chẳng bao giờ ăn trộm của nhau.

Tập tục thả trâu vào rừng của người dân đã có từ những năm 1950-1952. Và thời hoàng kim trâu nhà thả rừng là vào những năm 1978-1980. Khi đó, cả thôn Păng Tiêng có gần 1.000 con trâu thả rừng và chúng rất dữ, nhiều con đã biến thành con min. Trong làng có nhiều người bị thương nặng do trâu húc. Làng phải họp lại và quyết định dùng súng bắn chết những con trâu đực đầu đàn dữ nhất để thuần hóa đàn trâu nhà. Có đến 50 con min bị bắn chết chỉ trong vòng một tháng[5]. Năm 2005, khi những cánh đồng ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, được chuyển đổi mục đích canh tác từ trồng lúa sang trồng cà phê, rau và hoa, đàn trâu của đồng bào người Lạch ở đây không còn cày kéo nữa mà được thả vào rừng[4].

Các gia đình trong mỗi dòng họ thường cho trâu nhập thành bầy vài chục con rồi thả vào rừng. Khi mới làm quen với cuộc sống hoang dã, trâu còn nhút nhát nên chưa dám đi xa. Thỉnh thoảng gia chủ tìm đến chỗ đàn trâu, rắc muối lên cỏ rồi cất tiếng gọi tên con trâu đầu đàn. Vốn thích ăn mặn, nhớ hơi chủ và biết chủ gọi tên mình, con trâu lực lưỡng dẫn cả đàn đến ăn muối. Giai đoạn này, trâu còn thuần tính nên nếu muốn gia chủ dễ dàng lùa trâu về làng. Đàn trâu di chuyển liên tục để tìm những vùng cỏ mới và càng ở lâu trong rừng, càng hung hăng, khó gần hơn[2]. Để trâu bớt dữ, cứ tháng 2, tháng 3 hằng năm dân làng lùa đàn trâu về tiêm phòng và giữ lại chăm sóc một thời gian. Để lùa được một đàn trâu cần hơn chục người. Đàn trâu di chuyển liên tục để tìm những vùng cỏ mới nên có khi phải tìm cả mấy ngày trời mới thấy để lùa về.

Với những đàn trâu thế này, ngay cả gia chủ cũng khó tiếp cận, phải nhờ người có khả năng đặc biệt để giao tiếp, nói chuyện với trâu, cho trâu ăn muối. Khi đi thăm trâu, họ mang theo muối, gọi tên con đầu đàn, chúng sẽ nhớ tên, nhớ chủ mà bớt hung hãn rồi để người lại gần. Người thăm trâu sẽ vãi muối ra cỏ cho đàn trâu ăn, xoa đầu rồi “dặn dò” con đầu đàn phải ngoan ngoãn, hiền lành. Tuy nhiên, càng về sau thì đàn trâu càng hung hãn và khó gần hơn[4]. Muốn lùa được chúng về làng phải nhờ hơn chục người giúp sức băng rừng vượt núi rất nguy hiểm, mặc dù vậy, nếu nuôi theo cách này thì sau vài năm lại có thêm những nghé non mà không mất công nuôi nấng, chăm sóc do chúng tự sinh sản trong rừng. Nhưng nếu không tìm được, phải cho chúng ăn muối rồi lùa về làng chăm sóc một thời gian nếu không chúng quên chủ, thành thú hoang.

Săn tìm

Bài chi tiết: Săn bò rừng

Có những đàn trâu trải hàng chục năm thả rông, chúng dường như đã thành trâu rừng, rất dữ tợn, không lùa về được nữa mà phải đặt bẫy để bắt. Khi dò được đường đi ăn của con trâu dữ, đội săn đào hầm và giăng dây thòng lọng, sau đó la hét, huýt chó, khua chiêng, gõ mõ từ ba phía để dồn đuổi cho thú sập hầm, mắc vào thòng lọng. Đợi đến lúc trâu mệt nhoài thì trói chân bắt sống. Trong trường hợp trâu quá khỏe, quá hung tợn, thợ săn đành phải bắn chết bằng cung, ná hoặc phóng lao rồi mổ thịt tại trận[6].

Theo kinh nghiệm của người săn tìm trâu, nếu nhìn thấy vết chân trâu là có thể đoán biết đàn trâu đang di chuyển về đâu. Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy chúng trong rừng, có những con trâu rất dữ dằn, chúng có thể tấn công người khi nhìn thấy những màu áo bắt màu. Nhiều đàn trâu đốn gãy nhiều thông và cà phê non gần bìa rừng, bị người dân ném đá, xua đuổi nên giờ chúng khá nhát và hay lẩn trốn. Ở những nơi cỏ tranh ngập đầu người và cây cối rậm rạp rất khó tiếp cận chúng.

Trong đàn có một con trâu cái sắp sinh nên có thể cả đàn nằm lì trong rừng chưa chịu ra. Khi tìm được trâu, cả chục thanh niên tản ra khua chiêng, gõ mõ để lùa trâu xuống nơi đặt sẵn rào dựng lên để dụ chúng. Khi trâu vào bẫy thì quăng thòng lọng, quàng cổ, trói chân bắt từng con. Nhiều trường hợp phải dùng trâu mồi kéo gỗ để dụ lũ trâu về nhà. Đôi khi lùa cả mấy ngày trâu vẫn không chịu vô rào. Cách nhẹ nhàng nhất là phải thường xuyên thăm trâu nhà để chúng biết mặt chủ và bớt tính hung hãn[5].

Thực trạng

Trâu Lạc Dương được thương lái khắp nơi ưa chuộng do khí hậu và thổ nhưỡng tốt, trâu nuôi mau lớn và thịt trâu vì thế có chất lượng hơn hẳn các nơi khác[5], Năm 2000, một con trâu trưởng thành có giá trung bình 5-6 triệu đồng, giá một con trâu cái loại A vào khoảng 25-30 triệu đồng, một con trâu đực 5 tuổi trên 30 triệu đồng. Chính vì giá cao nên chỉ những dịp lễ tết đặc biệt, người dân mới dám thịt trâu[4]. Tính đến tháng 7 năm 2013, đàn trâu của huyện có tổng số 3.140 con[4]. Một thống kê khác cho biết, có khoảng 2.700 con trâu. Trong đó, lượng trâu nhà thả rừng gần 2.000 con. Chủ yếu là số trâu nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Ho, người Lạch...Số lượng trâu nhà thả rừng tập trung chủ yếu tại khu vực xã Lát, Đạ Nhim, Đạ Sar và thị trấn Lạc Dương khu vực hồ Đan Kia[5].

Hiện nay, đàn trâu sụt giảm nhanh chóng do bệnh dịch tụ huyết trùng, Đàn trâu thả rừng rất khó khăn để bắt chúng tiêm chủng. Những năm 1980, 1990 Nhà nước chưa có tiêm chủng nên dịch bệnh tụ huyết trùng lây lan giết chết cả trăm con mỗi lần dịch phát tán. Rồi trâu thả rừng sụt giảm nhanh từ đó. Người dân cũng vì thế không dám nuôi với số lượng quá nhiều[5]. Hiện nay, nhiều kiến nghị đến ngành chức năng lập kế hoạch bảo tồn nguồn gene tốt của trâu Lang Biang góp phần làm gia tăng giá trị đa dạng sinh học, cho giao phối với các giống trâu khác để cải thiện chất lượng đàn trâu nhà Việt Nam. nhu cầu bảo tồn đàn trâu là rất cao, nhưng địa phương vẫn đang kẹt ở khâu tìm nguồn vốn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trâu Langbiang http://baodulich.com/index.php?do=news&act=detail&... http://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=200... http://dalattourist.net/modules.php?name=News&file... http://www.baobinhdinh.com.vn/564/2004/7/12213/ http://congan.com.vn/the-thao-van-hoa/van-hoa/ky-l... http://ihay.thanhnien.com.vn/mon-ngon/thom-ngao-ng... http://www.thuvienhaiphu.com.vn/tvso/library.exe?e... http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=22018 http://www.kontum.gov.vn/news/news.php?pageid=0000... http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/ba...